Có nguồn gốc từ cuối thế kỷ 19 nhưng đến thế kỷ 20, nội thất phong cách Địa Trung Hải lại nhận được sự quan tâm lớn giúp chúng hồi sinh mạnh mẽ. Hiện nay, đó vẫn là một trong những phong cách kiến trúc nội thất được ưa chuộng không chỉ ở khu vực châu Âu mà còn trên toàn thế giới.
Phong cách Địa Trung Hải là gì?
Địa Trung Hải là vùng biển lớn nằm phía nam châu Âu, ngăn cách châu Phi và châu Âu. Phong cách Địa Trung Hải (tên tiếng Anh: Mediterranean Revival) lần đầu ra mắt vào cuối thế kỷ 19 và dần phổ biến hơn từ những năm 1920-1930.
Phong cách mang ảnh hưởng sâu sắc từ các nước lân cận biển Địa Trung Hải và là sự kết hợp của các phong cách thiết kế Italia phục hưng,Tây Ban Nha colonial (Tây Ban Nha thuộc địa), Tây Ban Nha phục hưng, Beaux-Arts (Hy Lạp-La Mã-Ai Cập) và phong cách Gothic (Venice).
Những nét đặc trưng trong phong cách Địa Trung Hải
Xuất xứ từ vùng ven biển, phong cách Địa Trung Hải mang âm hưởng thiên nhiên, cây cối, bờ cát và chắc chắn không thể thiếu hơi thở của biển cả.
Màu sắc
Màu sắc trong phong cách Địa Trung Hải chính là sự pha trộn hài hòa của các gam màu tự nhiên kể trên. Chúng là màu xanh da trời soi xuống mặt biển, xanh olive của cây cối, trắng của bờ cát và vàng của nắng, cùng màu tím hoa oải hương và màu nâu đất nung.
Tùy vào từng thiết kế cụ thể mà các gam màu được pha trộn, kết hợp hài hòa. Nhìn chung nhiều thiết kế Địa Trung Hải vẫn sử dụng nhiều gam màu trung tính. Một số thiên về nổi bật và đột phá bằng cách sử dụng nhiều màu nổi và sẫm.
Đồ nội thất
Vật dụng nội thất dùng trong phong cách kiến trúc Địa Trung Hải có nhiều nét tương đồng với nội thất châu Âu cổ điển và hiện đại, điều này cũng dễ hiểu vì chúng có khởi nguồn từ châu Âu và vẫn tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng trong suốt thời gian tồn tại và phát triển.
Chất liệu thiên nhiên
Là phong cách kiến trúc lấy cảm hứng từ thiên nhiên, các chất liệu tự nhiên luôn xuất hiện rõ nét hoặc kín đáo trong các thiết kế nội thất. Có thể là cả mảng tường gạch nung, hoặc đôi khi chỉ là vật trang trí nhỏ bằng tre, gỗ,... Chúng không áp đảo mà pha trộn tài tình tăng thêm sức sống cho không gian Địa Trung Hải.
Trang trí tường & Cổng mái vòm
Nếu ở nhiều nơi tường thường bị bỏ trống hay tối giản thì phong cách Địa Trung Hải lại chú trọng đến trang trí tường. Tranh ảnh, khung cửa hoặc những đường điêu khắc tinh tế là minh chứng rõ nhất cho sự quan tâm đó.
Ngoài ra, cổng mái vòm cũng là điểm đặc trưng không thể bỏ qua. Cổng mái vòm vốn đã là nét thiết kế quen thuộc trong nhiều kiến trúc cổ đại, mà đặc biệt trong Địa Trung Hải chúng đóng một vai trò biểu trưng mang hơi thở của gió biển đến căn phòng.
Dấu ấn Địa Trung Hải trong thiết kế nội thất
Đường nét thiết kế lẫn cách phối màu đa dạng của phong cách Địa Trung Hải tạo nên những đặc trưng không thể lầm lẫn trong kiến trúc nội thất.
Một gian phòng khách sử dụng tông màu vàng-nâu chủ đạo. Nét tươi sáng cổ điển của Địa Trung Hải vẫn nổi bật với chiếc rèm cửa hay từng họa tiết trên tủ gương và bộ bàn ghế. Tường được trau chuốt với viền thạch cao được điêu khắc tỉ mỉ ở điểm nối với trần và sàn.
Nhà ăn với kiến trúc mở nhìn ra phòng khách với gam màu xanh xám-trắng, đơn giản nhưng nổi bật đến từng chi tiết, hoa văn tường cũng như các vật dụng bên trong. Đồ dùng chú trọng sử dụng tông màu tương tự hoặc các màu trung tính như ly thủy tinh, màu be gốm nhạt.
Căn bếp đơn giản chỉ với các màu trung tính và các chất liệu tự nhiên. Gian phong toát lên vẻ bình dị, không trang trí rườm rà nhưng vẫn cảm nhận được sự sang trọng lẫn chút khoang khoái.
Bàn phòng khách tạo hình con thuyền là tâm điểm và cũng gợi nhớ đến vùng ven biển Địa Trung Hải. Khắp gian phòng là những gam màu xanh lá, xanh dương xen kẽ tô điểm trên nền trắng như màu cỏ cây và sóng biển xen lẫn trên bờ cát.
Từ màu sắc đến nội thất đều mang nét đẹp cổ kính của châu Âu pha lẫn chút sang trọng và tinh tế đến từ chiếc đèn trần hay sô pha. Màu xanh rêu kéo xuống sắc trầm nhưng cũng góp phần nâng tầm thẩm mỹ cho gian phòng khách.
Cũng là phòng khách theo lối kiến trúc Địa Trung Hải nhưng bừng sáng khắp gian phòng với những cửa sổ lớn đón ánh sáng tự nhiên cùng các vật dụng nội thất trong gam màu trắng chủ đạo.Tuy thế nhưng vẫn có những nốt trầm cân bằng ở các chi tiết trang trí trên thảm hay viền nâu-xám của những khung cửa, đem đến xúc cảm bình yên và thư thái.
Chi tiết cổng mái vòm trở lại nổi bật với ba kệ sách âm tường. Giữa bức tường còn có trang trí gợi nhớ đến chiếc bánh lái trên tàu thuyền lớn. Bộ bàn ghế lẫn đèn bàn trong phòng khách đều mang tính cổ kính châu Âu, nhưng mang màu sắc biểu trưng của Địa Trung Hải, đem đến làn gió mát từ biển lan khắp căn phòng.
Một góc phòng ngủ cũng sử dụng hai sắc xanh biển-trắng, kết hợp hoa văn tinh tế ở hầu như khắp mọi đồ dùng trong phòng. Tất cả tạo nên không khí vùng biển hào sảng, phóng khoáng nhưng cũng pha chút sang trọng, quý tộc.
Vẻ đẹp phóng khoáng khác đến từ cách pha trộn giữa trắng và nâu trầm, giữa tinh khôi, thuần khiết và âm trầm, bình dị. Điểm thắt thêm vài chi tiết màu be cân bằng thị giác và một khung cửa lớn đón nắng, đón gió tự nhiên từ ngoài ùa vào. Kiến tạo nên không gian khoan khoái và thư giãn cho gia chủ nghỉ ngơi.
Phong cách Địa Trung Hải không chỉ phù hợp với phòng ngủ hay nhà bếp, phòng khách,... mà còn có thể linh động áp dụng cho nhiều loại hình nhà khác nhau như căn hộ, nhà phố, chung cư hay biệt thự. Tùy vào nhu cầu và sở thích, gia chủ có thể ứng dụng phong cách Địa Trung Hải cho mái ấm của mình để kiến tạo nên không gian tràn ngập tính phóng khoáng của vùng biển cùng sự sang trọng của châu Âu cổ đại.