Tìm hiểu về các yếu tố tác động đến chi phí trước khi lên kế hoạch xây dựng nhà bếp là điều cần thiết để gia chủ có sự chuẩn bị bao quát nhất. Đồng thời, vì nhà bếp là một phần của ngôi nhà, phong cách kiến trúc của gian bếp cũng cần sự đồng bộ với ngôi nhà và cũng sẽ ảnh hưởng đến tổng chi phí.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí xây nhà bếp
Khi bạn bắt đầu lên kế hoạch cho việc xây dựng nhà bếp, quan trọng nhất là phải xác định một cách cẩn thận những yếu tố quan trọng liên quan để có thể đưa ra ước tính kinh phí một cách chính xác và đầy đủ nhất. Điều này sẽ tối ưu thời gian trong quá trình lập kế hoạch và giúp bạn có những thông tin chính xác nhất.
Diện tích căn bếp
Quy mô nhà bếp ảnh hưởng rất lớn đến tổng chi phí xây dựng. Vì giá vật liệu, thiết bị và nhân công đều sẽ tăng lên tỷ lệ thuận với quy mô căn bếp. Diện tích nhà bếp thông thường sẽ bao gồm diện tích đặt hệ tủ bếp và không gian để người nội trợ di chuyển, thao tác.
Nếu gia đình bạn ưa chuộng thiết kế không gian mở, nhà bếp có thể bao gồm cả bàn ghế ăn và đôi khi liên thông ra phòng khách. Tương tự, kích thước của hệ tủ bếp cũng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, lắp đặt chúng trong nhà bếp, và ảnh hưởng đến chi phí xây nhà bếp.
Nhà bếp hẹp có thể ưa chuộng dạng tủ bếp chữ I hoặc chữ L. Một số nhà phố hoặc biệt thự có không gian thông thoáng hơn có thể lựa chọn tủ bếp lớn kèm bàn đảo để tăng quy mô, tính tiện dụng và sang trọng cho gian bếp.
Vật liệu xây dựng
Vật liệu xây dựng cho nhà bếp bao gồm rất nhiều chi tiết bên trong như chất liệu của tủ bếp, chất liệu bàn ghế ăn, trần nhà bếp, sàn nhà bếp,... Lựa chọn vật liệu có tác động rất lớn đến chi phí, vì đồ nội thất bằng chất liệu tốt, khan hiếm hay sang trọng có thể đắt giá gấp 10, thậm chí gấp 100 lần so với vật liệu phổ thông.
Trang thiết bị
Nhà bếp là nơi có nhu cầu rất lớn về trang thiết bị. Không thể không nhắc đến các thiết bị cơ bản như tủ lạnh, nồi cơm điện, lò nướng, lò vi sóng, bếp ga/bếp điện, máy hút mùi.
Khoa học-công nghệ ngày càng phát triển thì ngày càng xuất hiện nhiều thiết bị phụ trợ cho công việc nội trợ giúp chúng ta nhẹ gánh hơn và có thêm thời gian dành cho bản thân. Từ đó, các máy pha cà phê, máy rửa chén, máy sấy chén, máy nướng bánh mì, các phụ kiện khác,... dần dần len lỏi vào các gian bếp và trở thành công cụ thân thuộc với nhiều người tiêu dùng.
Tùy vào tình hình tài chính và nhu cầu trong gia đình, bạn hãy liệt kê các loại thiết bị cần phải sắm sửa để cân đối ngân sách trước.
Chi phí nhân công
Chi phí nhân công không chỉ gồm chi phí thợ xây hoặc thợ lắp đặt tham gia xây dựng công trình, mà còn có thể bao gồm chi phí cho kiến trúc sư, kỹ thuật viên đã tư vấn, lên bản vẽ hoặc thậm chí là chuyên gia thiết kế nội thất đã giúp bạn lựa chọn từng vật dụng nội thất phù hợp với phong cách kiến trúc mà bạn đã đề ra.
Và quá trình này cũng kéo dài từ khi lên ý tưởng, tháo dỡ nhà bếp, lắp đặt đường dây điện, nước,... cho đến khi thi công và lắp đặt xong mọi trang thiết bị vào gian bếp để sẵn sàng sử dụng. Đôi khi còn phát sinh chi phí giám sát, bảo hành/bảo trì nên gia chủ hãy luôn dự trù thêm khoản phát sinh nhé.
Chi phí xây nhà tính toán thế nào?
Ngân sách để xây nhà nhiêu khê và phức tạp hơn nhiều vì chúng bao gồm nhiều công đoạn, trên một quy mô lớn hơn.
Quy mô xây dựng
Diện tích ngôi nhà là bao nhiêu và bạn dự kiến muốn xây bao nhiêu tầng là các nhân tố chính quyết định quy mô xây dựng ngôi nhà. Nếu xây biệt thự, gia chủ còn cần xác định thêm quy mô sân vườn, có hầm để xe hay hồ bơi không (thường các chi phí này sẽ cao hơn chi phí xây dựng căn bản).
Và cũng giống như khi dự toán chi phí xây nhà bếp, trước khi xây nhà cũng cần chuẩn bị mặt bằng. Đó có thể là tiền mua đất, tiền tháo dỡ, san lấp nhà cũ và tiền pháp lý xin phép xây dựng theo quy định tại địa phương.
Chi phí làm móng nhà
Tùy vào vị trí xây dựng căn nhà mà chi phí làm móng có thể khác nhau. Vì ở nơi có nền đất yếu hay gần sông, móng nhà cần được làm kiên cố hơn, tốn thêm nguyên vật liệu, nhân công nên sẽ kéo theo chi phí tăng.
Chất lượng của cọc bê tông dùng làm móng cũng giống như số mét cọc sẽ quyết định chi phí làm móng nhà. Tùy vào loại hình nhà ở và chất lượng mà chi phí cho móng cọc có thể chênh lệch tới 10 lần.
Chi phí thiết kế
Chi phí cho bản vẽ chỉ chiếm khoảng 3% nhưng có thể ảnh hưởng lên đến 30% chi phí phát sinh trong quá trình làm nhà. Vì thế lên bản vẽ không bao giờ là thừa khi chuẩn bị xây nhà. Bạn có thể dùng các bản vẽ có sẵn hoặc tham khảo nhiều nhà tương tự, nhưng giữa việc tận dụng bản thiết kế và lên thiết kế riêng cho nhà mình sẽ có cách biệt rất lớn.
Vì mỗi căn nhà đều có diện tích, hình dáng, cùng với nhu cầu và thói quen của từng gia chủ khác nhau. Chưa kể đến sở thích của từng thành viên trong gia đình cũng có nét bất đồng, vì thế nghiên cứu và lên phương án sát sao nhất cho nhu cầu của gia đình mình về một mái ấm trong mơ là khoản chi phí xứng đáng.
Xây dựng cơ bản
Xây dựng cơ bản là công đoạn tạo nên phần thô của ngôi nhà, gồm gạch, xi măng, cát, vôi, …. và nhân công để thực hiện. Thông thường chi phí này sẽ được tính dựa theo mét vuông. Ví dụ quy mô ngôi nhà gồm 1 trệt 2 lầu và mỗi tầng 100m2, thì tổng diện tích cần thi công phần thô sẽ là 300 m2.
Mua sắm trang thiết bị
Đây được xem là khoản chi phí lớn nhất trong nhà ở, vì ở mỗi phòng đều sẽ có rất nhiều vật dụng nội thất cần thiết hằng ngày. Đồng thời khi trang trí nhà cửa theo một phong cách kiến trúc nhất định, các vật dụng nội thất còn cần hợp phong cách, màu sắc, hoa văn với không gian nói chung, hay ít nhất là với trần và sàn nhà.
Ví dụ ở phòng ngủ cần có giường ngủ, bàn đầu giường, đèn ngủ, bàn trang điểm, tủ quần áo. Nhà vệ sinh có phòng tắm, vòi sen, bồn cầu, chậu rửa mặt, kệ đựng khăn tắm, xà phòng,... Phòng bếp có tủ bếp, bàn ghế ăn, các thiết bị nhà bếp,... Phòng khách có bàn và sô pha, tivi, kệ tivi, tủ sách, thảm,... Một số nhà còn bố trí thêm phòng làm việc, phòng giặt, phòng giải trí (xem phim, karaoke, bida,...), chưa kể đến các vật dụng khác phổ biến gần đây như tủ đựng giày, tranh ảnh hoặc đồng hồ trang trí,...
Các chi phí khác
Ngoài chi phí xây dựng và sắm sửa nội thất, khi xây nhà còn phát sinh nhiều chi phí khác như phí giám sát, quản lý trong thời gian thi công, chi phí chống thấm, bảo vệ để tăng cường tuổi thọ cho công trình.
Nhà lớn hoặc biệt thự có thể có thêm sân vườn, hồ bơi, hàng rào, cổng,... cũng có mức chi phí lớn khoảng từ 70% chi phí xây dựng một tầng lầu.
Chi phí xây dựng nhà bếp chiếm bao nhiêu?
Chi phí xây dựng riêng cho nhà bếp tùy thuộc vào mức độ đầu tư của chủ nhà dành cho căn bếp. Khi phân bổ ngân sách đồng đều cho toàn bộ công trình, chi phí cho nhà bếp sẽ chiếm một phần tương đương với mọi gian phòng khác trong ngôi nhà.
Một số gia chủ yêu bếp sẽ có thể nâng mức đầu tư cho nhà bếp. Vì vài lý do như gia đình có đông thành viên và thời gian ăn tối mỗi ngày là khoảnh khắc cả nhà cùng tụ họp, nên cần không gian lớn và đầm ấm để mọi người đều cảm thấy thoải mái.
Một số khác vì những nguyên nhân như các vấn đề vệ sinh nhà bếp. Vì gian bếp và nhà tắm là hai khu vực trong nhà thường xuyên tiếp xúc với nước, độ ẩm cao dễ sinh ra vi khuẩn. Đặc biệt ở nhà bếp còn tiếp xúc với nhiệt và nhiều vết bẩn trong quá trình chế biến thức ăn. Nên đầu tư một loại vật liệu làm bếp tốt hơn, an toàn và dễ vệ sinh hơn là cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho cả đại gia đình.
Nhìn chung, căn nhà không chỉ là nơi tránh mưa nắng mà còn là không gian sum vầy của gia đình, là nơi nghỉ ngơi sau một ngày dài mỏi mệt và tái tạo nguồn năng lượng. Đầu tư cho tổ ấm không bao giờ là thừa và mọi việc luôn cần lên kế hoạch cũng như tính toán chi phí xây dựng kỹ lưỡng ngay từ đầu.