Các Yếu Tố Tạo Thành Phong Cách Bếp Vintage

Các Yếu Tố Tạo Thành Phong Cách Bếp Vintage

Phong cách bếp vintage là một trong những phong cách hoài niệm mà nhiều gia chủ muốn hướng tới. Bởi nó mang tính sự ấm cúng, độc đáo với sự kết hợp của màu sắc trung tính, đồ nội thất cổ điển và một số chi tiết trang trí hoa văn đặc biệt. Nhờ đó mà phòng bếp trở thành không gian thú vị, lôi cuốn theo chất riêng của gia chủ.

Phong cách bếp Vintage là gì?

“Vintage” trong tiếng Anh xuất phát từ cụm từ “Vintage Wine” để nói về loại rượu vang cho năm thu hoạch cụ thể. Về sau, thuật ngữ này được mở rộng để áp dụng vào các lĩnh vực khác như đồ thời trang và nội thất để chỉ những sản phẩm có nguồn gốc từ quá khứ, hoặc có kiểu dáng đặc biệt độc đáo.

Vì thế, phong cách nội thất vintage có nguồn gốc từ việc sưu tầm và tái sử dụng đồ nội thất, trang trí từ thời quá khứ, lấy cảm hứng về tính thẩm mỹ của thời đại trước, điển hình là từ đầu thế kỷ 20 hoặc sớm hơn. Đây là loại phong cách tái tạo lại giao diện của khoảng thời gian cụ thể để làm nổi bật sự quyến rũ, lãng mạn, hoài cổ, tạo nên cảm giác lịch sử và đặc trưng của một không gian.

Phong cách bếp Vintage cũng dựa trên những đặc điểm quá khứ để kiến tạo nên không gian đặc trưng, như ý của gia chủ. Căn bếp Vintage cho phép gia chủ có thể sáng tạo và cá nhân hóa, tạo ra một không gian độc đáo và đẹp mắt với nhiều kiểu dáng đặc biệt và họa tiết thu hút. Sử dụng các nguyên vật liệu từ tự nhiên như gỗ, cùng các phụ kiện đèn trang trí, đồ thủ công, tranh treo cổ điển… để tạo ra một gian bếp ấm áp và thân thiện.

Sự khác biệt giữa phong cách Vintage và Retro

Trên thực tế, Vintage và Retro là hai phong cách có rất ít điểm tương đồng, thường được sử dụng để thay thế và bổ trợ nhau nên đôi khi có sự nhầm lẫn. Một số đặc điểm dưới đây giúp bạn hình dung rõ ràng hơn về hai phong cách này: 

Phong cách Vintage:

  • Thời gian: thiết kế đề cập đến tính thẩm mỹ của một giai đoạn lịch sử cụ thể, điển hình là đầu thế kỷ 20 đến những năm 1980. Nhằm tạo ra bầu không khí, lối trang trí và cảm giác của thời đại đó.

  • Xu hướng thiết kế nội thất: xu hướng thiết kế cổ điển, được trang trí tỉ mỉ, cẩn trọng. Đôi khi còn có sự cũ kỹ, hao mòn trong đồ nội thất. Sử dụng nhiều họa tiết nhỏ, vải voan, hoa… hoặc sự trộn lẫn từ nhiều thời điểm khác nhau để tạo ra sự giao thoa. 

  • Vật liệu sử dụng: thường sử dụng các vật liệu tự nhiên như gỗ, kim loại và dệt may. Những vật liệu này góp phần mang lại cảm giác về lịch sử, hoài cổ.

  • Bảng màu: thường các tông màu trầm, pastel, màu những viên ngọc quý để tạo nên sự phong phú và quý phái.

Phong cách Retro:

  • Thời gian: thiết kế đề cập đến phong cách được lấy cảm hứng từ những năm 1950 đến 1980. Nó thường làm nổi bật văn hóa đại chúng và xu hướng thiết kế của thời đại đó. 

  • Xu hướng thiết kế nội thất: xu hướng đường nét đơn giản và dạng hình học, chức năng sáng tạo trong không gian được nhấn mạnh hơn. Mang một chút nhạc pop và sự tươi mới, độc đáo.

  • Vật liệu sử dụng: có sự kết hợp nhiều loại vật liệu, bao gồm thủy tinh, thép và nhựa đúc. Những vật liệu này phản ánh những tiến bộ công nghệ của thời đại.

  • Bảng màu: thiêng về những tông màu rực sáng, có kết hợp với những màu dịu dàng nhưng đậm màu.

Phòng bếp theo phong cách Vintage cần lưu ý những gì?

Lựa chọn phối màu sắc phù hợp

Lựa chọn màu sơn tường là một trong những bước đầu tiên để bạn có thể trang trí một căn bếp đậm chất Vintage như mong muốn. Để dễ dàng hơn trong việc trang trí về sau, một mảng tường trắng đơn giản sẽ giúp bạn dễ dàng tạo nên những điểm nhấn cổ điển trong không gian.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng những màu sắc trung tính như màu kem, be hoặc các tông màu pastel để tạo nên sự ấm áp, dễ chịu và thoải mái cho không gian tổng thể. Một số tông màu nổi bật thiêng về thiên nhiên cũng là sự lựa chọn độc đáo để bạn cân nhắc cho tủ bếp, hoặc những đồ vật trang trí riêng biệt để làm bật lên cá tính cũng như sở thích riêng của bạn.

Ưu tiên sử dụng nội thất theo phong cách Vintage

Lựa chọn đồ nội thất cho bếp Vintage đòi hỏi sự tỉ mỉ và tinh tế để tạo nên không gian ấm cúng. Chất liệu của nội thất thường được làm từ thiên nhiên như gỗ, gỗ ép để đem đến sự mộc mạc. Ngoài hệ tủ thì vật liệu ốp bề mặt bếp nên lựa chọn đá nhân tạo có các đường vân nhẹ nhàng, lấy cảm hứng từ thiên nhiên.

Bắt đầu với việc chọn tủ bếp, đảo bếp hoặc quầy bar có kiểu dáng cổ điển và các chi tiết hoa văn tinh xảo, những họa tiết xưa cũ được trang trí ở góc tủ, bàn bếp sẽ đem đến sự hoài cổ. 

Bàn ăn và ghế cũng cần phải lựa chọn hợp lý để có thể phù hợp với phong cách này. Chọn bàn ăn với kiểu dáng cổ điển, hoặc đơn giản như thanh gỗ mộc; phần ghế có thể là dạng ghế gỗ tự nhiên, đơn giản hoặc ghế có đệm màu sắc trung tính.

Sàn nhà nên được lát bằng gỗ tự nhiên. Lựa chọn tông màu gỗ trầm, mang độ sậm nhất định. Gạch lát hoa cho tường bếp cũng một điểm nhấn đặc sắc mà bạn có thể sẽ yêu thích cho phong cách bếp vintage này.

Đèn trang trí cũng là một phần quan trọng không thể thiếu để điểm xuyến căn bếp thêm phần nổi bật, đậm chất Vintage. Chọn đèn có thiết kế độc đáo, dạng đèn chùm cổ điển; hoặc đơn giản là những sản phẩm đèn thủy tinh hay bằng kim loại.

Một số đồ gia dụng cổ điển cũng khiến không gian Vintage trông có sức hút hơn bao giờ hết. Một chiếc tủ lạnh mang phong cách vintage, chiếc cân, ấm trà… cũng có thể trở thành một điểm nhấn đặc sắc của riêng bạn.

Lựa chọn đồ trang trí rất quan trọng

Đồ trang trí cho một căn bếp Vintage rất quan trọng bởi nó đòi hỏi sự tỉ mỉ và chỉn chu trong từng chi tiết, sự lựa chọn kỹ càng của gia chủ.

Trước khi tiến hành cho bước trang trí bếp theo phong cách vintage, bạn cần hình dung những sản phẩm yêu thích mà bạn muốn bố trí trong không gian đó là gì. Cân đối giữa đồ dùng, đồ trang trí và diện tích tổng thể để tránh tình trạng bày trí quá nhiều trong không gian hẹp, gây lộn xộn và khó chịu về thị giác.

Dụng cụ nấu ăn, chén, bát, dĩa… bằng sành sứ cũ, kiểu dáng cổ điển với đa dạng màu sắc được trưng bày, sắp xếp trên những chiếc kệ bếp mở để tạo nên sự lôi cuốn cho không gian.

Lựa chọn một chiếc rèm cửa bằng chất liệu Linen hay có hoa văn là một điểm nhấn lãng mạn cho không gian bếp phong cách vintage.

Lọ hoa, tranh treo tường, khăn trải bàn có họa tiết hoa nhí hay thảm có hoa văn cũng là những chi tiết lãng mạn để tạo nên bức tranh vintage sinh động cho những gia chủ có gu.

Thả hồn vào những căn bếp Vintage đẹp hiện nay

Bếp theo phong cách Vintage mang đến sự hòa quyện giữa vẻ đẹp cổ điển và sự ấm áp của ngày xưa. Một số gợi ý sau sẽ giúp bạn có thêm nguồn cảm hứng trong việc thiết kế căn bếp vintage cho gia đình.

Căn bếp vintage hiện đại chữ U kèm bàn đảo ấm cúng giữa hai gam màu trắng và nâu gỗ, tạo nên sự hài hòa, dễ chịu cho không gian sống.

Căn bếp vintage chữ I màu trắng kết hợp cùng mặt bàn gỗ tối giản cho không gian thêm phần ấm cúng.

Căn bếp vintage với gam màu trắng đơn giản, kết hợp thêm một số chi tiết gỗ làm điểm nhấn cho không gian.

Căn bếp chữ I kèm bàn đảo phong cách vintage mang hơi thở hiện đại. Góp phần làm không gian tổ ấm thêm sống động.

Căn bếp vintage màu xanh pastel đơn giản. Thiết kế biên dạng bếp chữ L kèm hệ tủ khô cao cùng hệ bàn đảo bằng gỗ tạo điểm nhấn tinh tế cho không gian.

Thiết kế hiện đại hơn, căn bếp lớn mang phong cách vintage trong gam màu xanh pastel dịu mắt, kết hợp hệ bàn đảo màu trắng cho không gian thêm phần thanh lịch

Có thể nói, bếp vintage không chỉ là nơi nấu ăn, mà còn là không gian phản ánh phong cách riêng của gia chủ, là nơi tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ cho gia đình. Vì thế, trên đây là những gợi ý những yếu tố để tạo nên phong cách bếp vintage, hy vọng có thể giúp ích cho bạn trong hành trình xây dựng tổ ấm yêu thương.

Login