Khi nào ta nên đặt bếp dưới cầu thang?
Gầm cầu thang lâu nay được trưng dụng khoảng trống làm nơi chứa vật dụng ít dùng như nhà kho, hoặc tận dụng làm tủ âm tường, phòng vệ sinh,... vừa tận dụng diện tích hữu ích hơn vừa giúp nhà cửa bố trí hợp lý và đỡ bừa bộn. Vậy gầm cầu thang có phù hợp để lắp đặt tủ bếp hay không?
Ưu điểm của việc thiết kế bếp dưới gầm cầu thang
Cầu thang đòi hỏi một diện tích lớn để xây dựng, dẫn đến không gian chiếm dụng có thể bằng diện tích một gian phòng với đầy đủ công năng. Vì thế, khi tận dụng không gian dưới cầu thang để làm khu vực chức năng, gia chủ có thể tận dụng triệt để diện tích mà còn góp phần giúp tổng quan ngôi nhà thêm thông thoáng.
So với các khu vực như phòng ngủ, phòng làm việc,... cần không gian kín đáo vì mục đích riêng tư hoặc cần tập trung, thì nhà bếp lại phù hợp để sắp xếp dưới cầu thang hơn cả.
Hệ tủ bếp có thể lắp sát tường và ôm gọn mặt dưới cầu thang. Thậm chí có thể giản lược hệ tủ trên và nâng cấp sức chứa ở hệ tủ dưới hay trên tường. Như vậy gian bếp vừa đầy đủ chức năng, vừa giúp không gian sinh hoạt được rộng mở và có sự liên kết tốt.
Nhược điểm khi đặt bếp dưới cầu thang
Theo quan niệm người xưa, cầu thang là nơi luồng khí di chuyển từ dưới lên trên. Nếu đặt bếp dưới cầu thang sẽ khiến luồng khí hỏa từ bếp lan tỏa ra ngôi nhà, dễ khiến các thành viên nóng nảy, cáu gắt và bất an.
Cùng với sự tiến bộ của công nghệ, các quan điểm về phong thủy cũng không còn được áp dụng cứng nhắc như trước mà có thể linh hoạt điều chỉnh giúp gia chủ tối ưu được diện tích sử dụng gian nhà mà vẫn an tâm về phúc khí, vận may của gia đình.
Thiết kế bếp dưới cầu thang như thế nào cho hợp phong thủy?
Tuy rằng việc đặt bếp dưới cầu thang vẫn tiềm ẩn nhiều điều hung hại, nhưng nếu gia chủ tuân theo những nguyên tắc dưới đây, có thể giúp bạn tránh được những luồng khí xấu ảnh hưởng gia đạo và giữ vững bình an, hạnh phúc của gia đình.
Đầu tiên là đặt bếp theo hướng tốt trong phong thủy. Tùy vào bản mệnh của gia chủ mà cố gắng sắp xếp bếp tọa ở hướng xấu nhìn về hướng tốt. Điều này có thể giúp bạn xua tan điều không may, mang đến tài lộc và an vui.
Vị trí bếp không đối diện cửa chính, cụ thể là cửa chính sẽ không hướng đối diện về phía bếp. Ngoài ra cũng nên đặt bếp tránh xa những nơi nhiều bụi như nhà xe, chuồng nuôi động vật. Vừa đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho gia chủ vừa phòng ngừa các rủi ro hỏa hoạn.
Gầm cầu thang, dưới xà ngang là vị trí xấu, có thể mang đến rủi ro và sát khí cho nhà bếp, vì thế hãy cố gắng không đặt bếp nấu ngay dưới chân cầu thang. Phương án tối ưu là chỉ sắp xếp tủ bếp để lưu trữ đồ dùng dưới chân cầu thang, còn bếp nấu và chậu rửa nằm ở cạnh khác hoặc ở vách tường.
Gia chủ nên thiết kế trần bằng thạch cao, xốp hoặc nhựa để che kín phần cầu thang bên trên, giảm luồng khí không tốt có thể ảnh hưởng đến căn bếp. Đồng thời cũng nên bố trí hệ thống thoát mùi, tản nhiệt, chống cháy,... ở bếp để tăng tính an toàn, giảm tác động xấu của những luồng khí độc hại có thể ảnh hưởng đến gia đạo.
Tóm lại, khi muốn thiết kế bếp dưới cầu thang nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố phong thủy, gia chủ cần chú ý các điểm sau:
Không đặt bếp nấu (bếp ga, bếp điện,...) ngay dưới chân cầu thang, tránh xà ngang bên trên và không đối diện cửa chính.
Ưu tiên đặt ở hướng tốt theo bản mệnh gia chủ, tránh các khu vực nhiều bụi và mùi hôi. Đầu tư hệ thống chống mùi, chống cháy, tản nhiệt,... vừa an toàn cho người dùng vừa tránh tà khí.
Những điều cần lưu ý khi đặt bếp dưới gầm cầu thang
Ngoài các vấn đề phong thủy, khi thiết kế nội thất gia chủ cũng cần quan tâm về các vấn đề về kiến trúc tổng quan của ngôi nhà nói chung và gian bếp nói riêng.
Phong cách thiết kế nhà bếp
Phong cách thiết kế bếp sẽ tùy thuộc vào phong cách thiết kế nhà. Tùy thuộc vào các gam màu chủ đạo của nội thất nhà mà khi lựa chọn hay thiết kế tủ bếp, bạn cũng nên cân nhắc để chúng được đồng bộ và thể hiện gu thẩm mỹ đồng nhất.
Chất liệu và kích thước tủ bếp dưới cầu thang
Không chỉ riêng bếp dưới cầu thang mà các gian bếp nói chung đều cần lưu ý đặc biệt khi tìm chất liệu phù hợp. Vì bếp là nơi tích tụ nhiều hơi ẩm, vừa có nhiệt lượng từ bếp vừa dễ vương vãi nước từ bồn rửa, đồng thời dễ bám mùi thức ăn và có đủ điều kiện để nấm mốc, mối mọt cũng như nhiều vi khuẩn sinh sôi.
Để gian bếp luôn sạch đẹp an toàn, gia chủ cần lưu ý chất liệu có thể chống chịu được nhiệt, độ ẩm và dễ vệ sinh. Thêm vào đó, kích thước tủ bếp cũng nên tùy biến riêng để thích hợp nhất khi đặt dưới gầm cầu thang.
Không gian & Ánh sáng trong phòng bếp
Đừng để việc bố trí dưới gầm cầu thang khiến căn bếp trở nên tù túng, ngột ngạt và thiếu sáng. Không gian thoáng đãng và ánh sáng ấm áp cũng ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng gia đình khi dùng bữa, cũng như truyền cảm hứng cho người đứng bếp. Hãy ưu tiên một thiết kế mở liên kết không gian bếp dưới cầu thang và và phòng ăn hoặc phòng khách.
Nhìn chung, thiết kế bếp dưới cầu thang ngày nay không còn là việc hiếm hay đại kỵ. Chỉ cần gia chủ nghiên cứu và đầu tư đúng cách, diện tích ngôi nhà vẫn có thể tận dụng triệt để mà vẫn đem đến vượng khí, tài lộc và may mắn cho gia đình.