Thiết kế phòng bếp đẹp nhà ống được nhiều người quan tâm do đây là hình mẫu nhà ở phổ biến nhất Việt Nam, đặc biệt là trong các khu dân cư đông đúc ở đô thị. Khi thiết kế nhà bếp cần chú trọng đến những đặc trưng của nhà ống, diện tích và sự bố trí các khu công năng để lên kế hoạch thiết kế hợp lý.
Các đặc trưng về kiến trúc nội thất của phòng bếp đẹp nhà ống
Nhà ống có đặc điểm hẹp và dài. Việc hạn hẹp không gian về chiều ngang khiến việc bố trí các phòng chức năng thường đi theo chiều dọc ngôi nhà. Và khi đi theo chiều dọc đó, nhà bếp thường được đặt ở phía trong, khó đón ánh sáng tự nhiên.
Thiết kế mở rộng không gian bếp
Nếu phân tách các khu chức năng thành từng gian phòng riêng biệt, không gian nhà ống dễ bị co hẹp, hành lang lối đi cũng vì thế mà trở nên tù túng và bất tiện. Vì thế, những không gian sinh hoạt chung của gia đình thường được thiết kế mở rộng để liên kết với nhau.
Phòng bếp thường được gắn liền với phòng ăn hoặc phòng khách. Có thể sử dụng các vách ngăn đơn giản để tạo sự phân tách vừa đủ, hoặc có thể liên kết mở để tạo không gian rộng rãi thông thoáng.
Các kiểu dáng tủ bếp phù hợp với phòng bếp nhà ống
Với đặc tính hẹp về chiều ngang, các mẫu tủ bếp chữ I và L sẽ là lựa chọn hàng đầu cho nội thất bếp nhà ống.
Tủ bếp kiểu dáng chữ I và chữ L chỉ nằm trên 1 mặt phẳng hoặc 1 góc tường. Không chiếm dụng nhiều không gian nhưng nếu được thiết kế tốt, chúng vẫn có thể đáp ứng được mọi nhu cầu cần thiết về sức chứa và công năng.
Ít phổ biến hơn nhưng một số gia đình cũng sử dụng tủ bếp chữ U trong nhà ống. Khi áp dụng biên dạng chữ U, 2 cạnh tủ bếp sẽ được ốp sát vào tường. Cạnh còn lại có thể đóng vai trò như bàn ăn phụ hoặc “hàng rào” ngăn cách bếp với bàn ăn hoặc phòng khách.
Ngoài ra, việc kết hợp thêm đảo bếp với kiểu dáng tủ bếp chữ I, chữ L cũng là phương án lý tưởng để tối đa công năng và sức chứa mà còn tô điểm thêm cho không gian.
Gợi ý các mẫu thiết kế phòng bếp nhà ống đẹp
Nhà ống với các kích thước chiều rộng khác nhau từ 3m, 4m, 5m sẽ phù hợp với những dạng thiết kế nội thất khác nhau. Vì thế, chúng tôi sẽ gợi ý đến bạn những mẫu thiết kế đẹp mắt dựa trên phân loại theo từng kích thước.
Gian bếp cho nhà ống kích thước 3m
Với chiều ngang khiêm tốn chỉ với 3m, tủ bếp có thể được đặt suốt chiều ngang. Tuy nhiên không phải biên dạng chữ I nào cũng có thể đảm bảo đáp ứng đủ công năng và sức chứa tối ưu với diện tích đó. Vì thế lắp tủ bếp theo chiều dọc căn nhà cũng là một phương án hữu hiệu.
Và đương nhiên, không chỉ giới hạn trong kiểu dáng bếp mà chúng ta đã biết, phá cách một chút bằng cách mở rộng bàn đảo bếp bên ngoài có thể tạo ra tủ bếp trong như dạng chữ U. Đây là cách thức thông minh để tối ưu cả diện tích mặt bàn bếp lẫn không gian di chuyển trong phòng.
Mẫu tủ bếp chữ U nhỏ gọn chiếm trọn một không gian nhỏ. Tuy nhiên không gian đó không khép kín mà được mở rộng cùng bàn đảo bếp vừa thêm không gian chế biến vừa làm “vách ngăn” tạm.
Hệ đèn thả trần cũng góp phần tạo nên điểm nhấn trong nội thất phòng. Ô cửa sổ trên cao giúp gia tăng tận dụng ánh sáng tự nhiên và phần nào giải quyết vấn đề thông thoáng của căn bếp.
Các thiết kế cho phòng bếp 4m
Với diện tích có phần nhỉnh hơn, nhà ống với chiều ngang 4m có thể tận dụng mẫu tủ bếp chữ I đặt theo chiều ngang ngôi nhà. Nếu được thiết kế tốt có thể còn có thêm không gian làm hành lang hoặc cửa phòng.
Tủ bếp hướng thẳng ra phòng khách là phương án được nhiều người lựa chọn, giúp kết hợp không gian nhà bếp, phòng ăn, phòng khách, gian phòng 3-trong-1 giúp bạn tiết kiệm được kha khá diện tích trong nhà cho các khu vực chức năng khác.
Tủ bếp chữ L không chỉ tối ưu cho thiết kế bếp trong không gian nhà ống, mà còn cực kỳ hợp lý nếu gia chủ muốn kết hợp bàn ăn trong phòng bếp. Hệ tủ ôm sát góc tường cùng với bàn ăn hài hòa về phong cách vừa khiến không gian thông thoáng, mở rộng vừa tạo nên vẻ đẹp trong nội thất nhà bếp.
Trong trường hợp gia chủ muốn dùng vách ngăn để thiết kế nhiều gian phòng hơn trong cùng chiều ngang gian nhà, sử dụng bếp chữ I là phương án phù hợp nhất. Cách phối màu sắc giữa hệ tủ bếp, tường bếp và mặt bàn bếp cũng có thể giúp mở rộng không gian và tăng tính thẩm mỹ cho căn nhà.
Mẫu phòng bếp nhà ống kích thước đến 5m
Chiều ngang rộng rãi hơn giúp gia chủ thoải mái xây phòng bếp tách biệt với các phòng chức năng khác mà vẫn dư khoảng trống cho hành lang di chuyển.
Phối hợp các gam màu khác biệt cũng là cách tạo nên nét riêng cho căn bếp gia đình. Vừa tăng tính mỹ quan, nâng điểm nội thất, vừa tạo sự thích thú cho gia chủ khi bước chân vào gian bếp.
Nhiều nhà bếp được sắp xếp ở sâu trong nhà ống sẽ nằm cạnh cầu thang. Vì thế bếp chữ I đi kèm đảo bếp là lựa chọn tuyệt vời để tiết kiệm không gian và tối đa công năng, đặc biệt là khi đảo bếp có thể đóng vai trò làm bàn ăn.
Cũng nằm cạnh cầu thang nhưng là mẫu tủ bếp chữ L kèm đảo. Gian bếp toát lên vẻ sang trọng khác lạ với hệ đảo “phát sáng” đi cùng với đèn thả kích thước lớn. Chỉ với thay đổi nhỏ từ ánh sáng nhà bếp, kiến trúc nội thất đã được nâng tầm đáng kể.
Nhìn chung, chỉ cần kết hợp tốt kiểu dáng bếp sao cho phù hợp với diện tích và bố cục trong nhà, phòng bếp đẹp nhà ống cũng có thể bắt mắt và thu hút không kém các căn bếp nguy nga khác.