Có thể không quá nổi danh nhưng Anmitsu lại là món tráng miệng không thể thiếu trong hầu hết các thực đơn ở nhà hàng Nhật. Với thành phần đa dạng từ trái cây, thạch rau câu, kem, mứt đậu đỏ, siro đường nâu,... Anmitsu có sức hấp dẫn khó cưỡng và là sự lựa chọn hoàn mỹ để giải tỏa cơn nóng mùa hè.
Món tráng miệng mang nét tinh tế từ Nhật Bản
Anmitsu là món tráng miệng lạnh kết hợp đủ loại “topping” khác nhau, cho ra hương vị phong phú, thanh thoát mà vẫn ngây ngất lòng người.
Món ăn là sự pha trộn chút tươi mát, chua chua ngọt ngọt của nhiều loại trái cây, lành lạnh thơm thơm của kem, ngọt dịu của siro đường, mát lành của thạch kanten, và mềm mềm dẻo dẻo của bánh mochi. Đây là món ăn chay mặn đều có thể dùng và tốt cho sức khỏe nhờ bổ sung thêm nước cùng rất nhiều vitamin.
Nhờ sự phát triển nhanh chóng của thị trường và chuỗi cung ứng, hiện nay bạn có thể dễ dàng tìm được đầy đủ các nguyên liệu để thực hiện ngay tại nhà mà không cần phải đến nhà hàng mới được thưởng thức món ăn này.
Chuẩn bị thực hiện món Anmitsu
Món này hoàn toàn không khó chế biến, tuy nhiên do dùng nhiều nguyên liệu khác nhau mà mỗi thành phần lại cần được chế biến riêng, nên có thể bạn sẽ thấy dông dài một chút. Cứ kiên nhẫn làm từng món bạn nhé, vì chúng rất dễ thực hiện!
Thạch rau câu (thạch Kanten/Agar)
Thạch Kanten được dùng trong món này không dùng loại gelatin thông thường. Thành phần chính của chúng là Alge đỏ (tảo biển đỏ), nên thạch Kanten không có vị mặn như các loại khác. Bên cạnh đó, do chế biến từ tảo nên thạch này chứa rất nhiều chất xơ, phù hợp với cả những người đang giảm cân.
Thạch Kanten có thể tìm mua ở các cửa hàng (dạng bột hoặc thanh), cho hòa tan với nước nóng và cứ để đấy chờ đông lại. Đây là loại rau câu có thể đông cứng ở nhiệt độ phòng. Nếu bạn là người thích ngọt, có thể nêm chút đường vào trong lúc hòa tan thạch và khuấy cho đường tan đều.
Làm kem trà xanh
Kem có thể mua sẵn ngoài cửa hàng, nếu muốn ăn kem vị trà xanh, bạn chỉ cần chuẩn bị thêm bột trà xanh là được. Cho kem và bột trà xanh vào và dùng phới lồng hoặc máy đánh trứng (chỉnh chế độ thấp nhất) để đánh, tiếp tục cho thêm sữa đặc vào.
Đánh đến khi kem đông đặc lại là được, bạn cũng có thể vừa đánh kem vừa nêm lại xem kem đã vừa miệng chưa và điều chỉnh thêm kem, bột trà xanh hoặc sữa đặc tùy ý. Khi kem đã đặc lại, cho kem vào ngăn đá tủ lạnh và để ít nhất 3-4 tiếng trước khi dùng.
Mứt đậu đỏ Anko
Cách làm mứt đậu đỏ không quá phức tạp nhưng cần chuẩn bị trước 1 ngày. Đầu tiên đãi sạch đậu đỏ và ngâm trong nước nóng khoảng 8-12 tiếng cho đậu mềm.
Sau đó, nấu đậu trong khoảng 1-2 tiếng với lượng nước xâm xấp bề mặt, có thể châm thêm trong lúc nấu. Nhớ chú ý vớt bọt cho sạch nước đậu và ninh đến khi đậu chín mềm.
Có thể dùng muỗng để thử xem đậu đã mềm chưa. Sau khi đậu chín mềm thì cho đường vào với tỷ lệ 2:1,5. Ví dụ nấu 200g đậu đỏ thì cho khoảng 150g đường, nếu nhà bạn thích ngọt có thể cho đường với tỷ lệ 1:1 đều được. Tăng lửa lớn và khuấy mạnh tay cho đường tan ra. Sau đó nêm thêm chút muối, trộn đều và bắc nồi xuống bếp.
Bánh gạo Mochi
Để làm bánh mochi, bạn cần chuẩn bị bột mochi, hoặc có thể thay thế bằng bột gạo nếp. Trộn đều hỗn hợp 50g bột cùng 2 muỗng canh nước lọc và nửa muỗng cà phê đường, nhào bột bằng tay đến khi bột dẻo mềm. Lưu ý để không bị dính bột, nhớ làm ướt tay trước khi nhào, và nếu bột quá khô có thể thêm nước trong quá trình thực hiện nhé.
Khi bột đạt đến độ dẻo ưng ý, nặn bột thành từng viên tròn, nhấn ngón tay vào giữa cho lõm vào một chút. Không chỉ là tạo hình cho viên bánh thêm phần đáng yêu, đây cũng là cách giúp bánh nhanh chín mà bột không bị nhão.
Bước cuối cùng là luộc các viên bột vừa nặn trong khoảng 2 phút, sau đó vớt ra và ngâm ngay vào nước đá. Bánh cần được giữ lạnh nên bạn hãy lưu trữ bánh trong tủ lạnh, và chỉ lấy bánh ra tối đa 130 phút trước khi ăn nhé.
Siro đường nâu (Kuromitsu)
Loại đường để làm siro đường nâu là đường Kurozato. Bạn có thể thay thế bằng đường vàng hoặc đường nâu khác, hoặc tìm mua Kurozato ở các siêu thị, cửa hàng.
Đầu tiên, trộn đều hỗn hợp gồm 100g Kurozato cùng 100g đường cát và 100ml nước lọc, cho tất cả vào nồi và đun ở lửa vừa, dùng đũa hoặc muỗng khuấy liên tục để đường không bị vón cục. Khi thấy hỗn hợp sôi thì giảm lửa và tiếp tục khuấy cho đường tan hết, đun khoảng 15 phút thì tắt bếp.
Chuẩn bị trái cây
Trái cây không những thêm hương vị mà còn tô điểm màu sắc rực rỡ cho món ăn này. Các bạn có thể chuẩn bị đa dạng các loại trái cây tùy thích như dâu, kiwi, chuối, đào, nhãn, cherry,... Tất cả đều rửa sạch và thái lát nhỏ vừa ăn là được.
Hoàn thiện và trưng bày Animitsu
Ngoại trừ mứt đậu đỏ (cần ngâm đậu đỏ từ đêm hôm trước) và kem trà xanh (cần thời gian đông đặc đến 3 tiếng, thì các thành phần còn lại đều có thể thực hiện khá nhanh và đơn giản. Sau khi tất cả nguyên liệu đã sẵn sàng, hãy trưng bày tất cả ra chén và thưởng thức.
Đầu tiên cho thạch kanten vào chén, sau đó là bánh mochi, các loại trái cây, mứt đậu đỏ, kem trà xanh, và tưới siro đường nâu lên bề mặt. Món ăn vừa bắt mắt vừa ngon miệng đã hoàn thành.
Là món ăn nhiều chất dinh dưỡng và đặc biệt lý tưởng để ăn trong mùa hè, Anmitsu luôn được nhiều người lựa chọn làm món tráng miệng hoặc ăn vặt để giải nhiệt. Cách làm đơn giản mà thành phẩm là cuốn hút khó cưỡng, chúc các bạn thực hiện thành công nhé!