Trong ngành kiến trúc, chiếu tatami của Nhật Bản là một phần không thể thiếu trong các ngôi nhà truyền thống. Được làm từ tre hoặc từ các loại cỏ khác nhau, có thể uốn cong để phù hợp với hình dáng của các không gian nội thất khác nhau. Chiếu tatami của Nhật Bản không chỉ mang lại sự ấm áp, thoải mái mà còn là một biểu tượng của văn hóa và truyền thống Nhật Bản. Việc bố trí chiếu tatami cũng thể hiện sự tôn trọng đối với truyền thống và nền văn hóa Nhật Bản.
1. Lịch sử hình thành chiếu tatami của Nhật Bản
Từ “tatami” có nguồn ngốc từ động từ “tatamu” trong tiếng Nhật, có nghĩa là “gấp, xếp”, được dùng để chỉ vật mỏng được trải trên sàn nhà và có thể xếp rất gọn gàng. Vào thời kỳ Heian (794-1185), chiếu tatami của Nhật Bản được bện từ rơm, có vỏ bao bằng cỏ bên ngoài, là vật dụng chỉ có thể được Thiên Hoàng và hoàng tộc nói chung sử dụng để làm phần sàn nhà êm ái và dễ chịu hơn.
Khi kiểu kiến trúc “shoin-zukuri” xuất hiện vào thời kỳ Muromachi (1336 – 1573). chiếu tatami bắt đầu được trải đều khắp căn phòng như một loại ốp bảo vệ sàn nhà. Cho đến tận thời kỳ Edo (1603 – 1868), “cơn sốt” mới lan rộng đến các tầng lớp thường dân và phổ biến đến mức có cả công việc chuyên trải chiếu tatami tại các phòng khi xây dựng nhà cửa.
Trải qua một quá trình dài để được có mặt tại hầu như mọi ngôi nhà ở Nhật, chiếu tatami đã trở thành một biểu tượng truyền thống và là niềm tự hào chính đáng trong kiến trúc đất nước hoa anh đào.
2. Cấu tạo của chiếu Tatami Nhật Bản
Cấu trúc của chiếu tatami rất đơn giản, bao gồm doko (đế), omote (bìa) và heri (viền). Đế (tatami doko) được làm bằng rơm rạ nhiều lớp, buộc chặt và nén chặt. Vỏ bọc (omote) làm bằng cỏ igusa tự nhiên.
Phần đế (Tatami-Doko Base)
Theo truyền thống, phần đế được làm bằng 'wara-doko' (100% rơm rạ tự nhiên và nhiều lớp). Tuy nhiên, do những thay đổi trong ứng dụng và nhu cầu, phần đế còn có thể được làm bằng vật liệu xây dựng nhẹ như tấm xốp kẹp giữa tấm gỗ dăm nén.
Phần bìa (Tatami-Omote Cover)
Để đạt được loại cao cấp, omote phải được làm từ cỏ igusa với độ dài đúng tiêu chuẩn, chất lượng và kiểu dệt nhất định. Omote chất lượng cao có bốn sợi dây gai dầu, mỗi sợi dệt hai sợi, buộc các sợi cỏ igusa lại với nhau. Điều này tạo thành một tấm thảm dày và chắc chắn. Cỏ igusa chất lượng cao được sử dụng trong những tấm chiếu Tatami này chỉ được thu hoạch mỗi năm một lần.
Loại Bìa Omote này thường được sử dụng phổ biến nhất trong các gia đình Nhật Bản dùng nội thất cao cấp đến trung bình. Bìa Omote này vẫn là một sản phẩm cao cấp nhưng luôn có sẵn. Tuy nhiên, Chiếu Tatami có tuổi thọ tương đối ngắn.
Phần viền (Tatami-Heri Border)
Phần viền heri từng được làm từ bông hoặc sợi gai dầu nhưng ngày nay sợi tổng hợp đã trở thành xu hướng chủ đạo. Sợi tổng hợp rẻ hơn và bền hơn, nhưng xét về chất lượng và độ an toàn thì sợi tự nhiên tốt hơn. Ngoài ra viền heri cao cấp sử dụng sợi gai dầu.
Phần viền heri có thể là một màu đơn giản hoặc có nhiều hoa văn khác nhau, đặc biệt được sử dụng cho các ngôi đền và các căn phòng mang phong cách nội thất Tokonoma của Nhật Bản.
3. Công dụng tuyệt vời từ chiếu tatami của Nhật Bản
Ban đầu, nó được trải ra để tạo cho người sử dụng cảm giác dễ chịu và êm ái hơn, bởi chỉ có hoàng tộc mới có thể sử dụng. Nhưng nếu chỉ có công dụng đơn giản như vậy thì hẳn đã không thể trở thành niềm tự hào của người sở hữu đến như vậy.
Nguồn Photo-AC.
Độ êm ái của chiếu tatami được hình thành bởi lớp lõi bằng rơm hoặc ván ép như hầu hết các ngôi nhà Nhật Bản ngày nay và lớp vỏ bao được dệt từ sợi gai hay sợi bông bên ngoài. Có một luật bất thành văn ở xứ sở hoa anh đào rằng khi bước vào phòng có trải chiếu tatami, tuyệt đối phải cởi giày dép ra để ở bên ngoài.
Vì vậy, khi đi chân trần chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận được sự đàn hồi và mềm xốp của lớp tatami dưới chân. Hơn nữa, sự êm ái này của chiếu tatami còn có tác dụng hạn chế trượt chân khi đi lại, là một điểm cộng cho những gia đình có người già và trẻ nhỏ.
Nguồn Sundara Miyako.
Ngoài ra, phòng trải chiếu tatami trong ngôi nhà thường là thiên đường của tất cả các thành viên trong gia đình bởi tính chất “đông ấm hạ mát” của nó. Lõi chiếu dày khoảng 5cm có tác dụng cách nhiệt, ngăn cản khí lạnh toả lên từ sàn nhà vào mùa đông lạnh giá.
Giữ cho bàn chân nói riêng - nơi có nhiều huyệt vị trên cơ thể con người và cả căn phòng nói chung được ấm áp. Sang mùa hè, chiếu tatami lại còn có thể điều hoà độ ẩm trong phòng, khiến cái nóng ẩm đặc trưng của Nhật Bản trở nên dễ chịu, thoải mái hơn.
Nguồn Chijui Yeh.
Thông thường, phòng có trải chiếu tatami sẽ hạn chế hết mức có thể số lượng nội thất, phổ biến nhất là chỉ có một chiếc bàn đặt ở chính giữa cùng với các gối đệm để ngồi ở xung quanh.
Không gian có sự bài trí đơn giản, màu sắc thanh nhã cùng mùi cỏ dễ chịu toả ra từ chiếu tatami khiến cho tâm trí con người bình tĩnh, sáng suốt và thư giãn hơn rất nhiều. Vì vậy, ở những phòng trà đạo, phòng ngủ,... người Nhật có xu hướng trải chiếu tatami để tận hưởng hiệu quả tuyệt vời này.
4. Những không gian nội thất sử dụng chiếu tatami của Nhật Bản
Hiện nay tuy không phải bất cứ ngôi nhà nào tại Nhật cũng có sự hiện diện của chiếu tatami, thế nhưng chúng ta cũng có thể bắt gặp chúng ở những nơi sau:
Khách sạn kiểu Nhật (ryokan)
Nguồn Filiz Elaerts.
Để khách du lịch có trải nghiệm chân thật nhất cuộc sống tại Nhật Bản, những ryokan này luôn luôn có mặt ở mọi tỉnh thành nơi đây. Đương nhiên, những căn phòng tại khách sạn kiểu Nhật đều có trải chiếu tatami trên khắp diện tích sử dụng.
Phòng trà đạo
Nguồn Romeo A.
Có thể xem việc trải chiếu tatami trong không gian trà đạo là truyền thống lâu đời của văn hoá đầy tinh tuý này của Nhật Bản. Ngay cả tại các lớp học trà đạo, các học viên cũng được thực hành tại phòng có chiếu tatami.
Các ngôi chùa và đền
Nguồn Matsami Matsami.
Bởi tác dụng tĩnh tâm và thư giãn nói trên, không gian trải chiếu tatami luôn chiếm được một khoảng diện tích rộng lớn tại các chùa và đền thờ tại Nhật
Phòng ngủ và phòng khách trong nhà ở
Nguồn Koto Kyoto.
Nguồn ATOHS.
Hiện nay, hầu hết nhà ở tại Nhật đều có thiết kế hiện đại, nhưng một số gia đình vẫn sở hữu 1-2 phòng chức năng có trải chiếu tatami, thường thấy nhất là phòng ngủ và phòng khách.
Tuy đã không còn quá phổ biến trong nhà ở Nhật như thời phong kiến, nhưng chiếu tatami của Nhật Bản vẫn là tượng đài với vị trí không dễ dàng lay chuyển trong kiến trúc nơi đây.