Bật mí về khu vực genkan (tiền sảnh) có mặt ở mọi ngôi nhà Nhật Bản

Bật mí về khu vực genkan (tiền sảnh) có mặt ở mọi ngôi nhà Nhật Bản

Bất kể diện tích rộng hay hẹp, là nhà phố hay căn hộ cao tầng, genkan luôn là nơi không thể thiếu trong cấu trúc nội thất tại Nhật Bản. Đồng thời, khu vực này còn mang nét văn hoá đậm chất Thiền sâu sắc mà ít người biết đến. 

1. Định nghĩa về genkan trong nội thất Nhật Bản

Từ “genkan” được tạo nên bởi hai chữ kanji (Hán Tự)  “HUYỀN - 玄” trong nghĩa “màu đen, huyền bí” và chữ “QUAN - 関” trong nghĩa “cánh cửa, cánh cổng”, vì vậy từ này có nghĩa đen là “cánh cổng huyền bí”. 

Genkan xuất hiện đầu tiên ở các Thiền viên, bước qua “cánh cửa huyền bí” này đồng nghĩa với việc bước vào thế giới Thiền linh thiêng, bỏ lại những ồn ào của thế sự bên ngoài. Khi dần lan toả đến các nhà dân, genkan hiểu theo nghĩa bóng là nơi trung gian trước khi bước vào phòng khách của người Nhật, có thể chuyển sang tiếng Việt là “tiền sảnh”. 

Genkan ở ngôi nhà Nhật Bản.

Ngay khi bước vào cửa chính, chúng ta sẽ bắt gặp ngay genkan - nơi thường dùng để cả gia chủ lẫn khách đến chơi cởi bỏ giày và thay bằng dép đi trong nhà. Vì vậy ngay cả các genkan có diện tích khiêm tốn, tủ giày dép cũng là vật dụng không thể thiếu ở nơi đây, tiếp đến là thanh treo nhỏ trên tường để treo chìa khoá hay áo khoác. 

Nếu ngôi nhà có nhiều không gian hơn hoặc thậm chí dành hẳn một căn phòng cho genkan, các gia chủ người Nhật thường đặt thêm lọ hoa, tranh ảnh hay vài chiếc ghế đẩu nhỏ cho ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách đến chơi nhà.

Giao nhận hàng tại genkan. Hinh ảnh bởi Rose Box.

Tuy nhiên, genkan không chỉ đơn giản là nơi để thay dép đi trong nhà - “quy tắc ngầm” của hầu hết gia đình Châu Á. Tương tự như ý nghĩa trong Thiền, genkan trong nội thất Nhật Bản còn là nơi trung gian để tiếp đón khách, hoặc nơi diễn ra những cuộc trao đổi chóng vánh đối với những vị khách không vào nhà như người giao hàng, người chào hàng,... Đây cũng là nơi để khách - thường là hàng xóm, và gia chủ trao nhận quà, đặc biệt là đồ tươi sống (hoa quả, thực phẩm) với hàm ý tránh làm bẩn sàn nhà của họ. 

2. Các quy tắc cần biết khi bước vào genkan 

Đối với người nước ngoài, đặc biệt là người phương Tây, có một số quy tắc cần biết trước khi vào genkan của nhà người Nhật để tránh những hiểu lầm không nên có như sau.

Dạng áo khoác mùa đông nên được cởi ra trước khi vào genkan.

Trước khi vào genkan, cần cởi bỏ nón và áo choàng (dạng áo choàng thường thấy vào mùa thu hay mùa đông). Nếu cẩn thận hơn, chúng ta cũng nên giũ nhẹ áo choàng sau khi cởi ra để tránh mang bụi bẩn hay phấn hoa - những điều có thể gây dị ứng cho gia chủ. 

Nên đặt mũi giày hướng ra cửa.

Tuy nói genkan là nơi để cởi giày và thay dép đi trong nhà, nhưng ở những dạng nhà ở có diện tích nhỏ, cũng có trường hợp gia chủ không đặt tủ hay kệ giày nào cả. Do đó, khi vào genkan chúng ta cũng cần để ý xem nếu không có tủ đựng, giày sau khi cởi ra nên được đặt gọn vào một bên ở dưới bậc cửa, mũi giày hướng ra phía cửa ra vào. Đây được cho là phép lịch sự tối thiểu trước khi vào nhà người Nhật.

Chỉ cởi giày, không nên cởi vớ.

Đặc biệt, tuyệt đối không nên cởi luôn cả vớ tại genkan! Điều này không chỉ có thể áp dụng tại nhà ở, mà còn là chuyện cần làm cả ở những nơi công cộng tại Nhật Bản như đền, chùa, phòng trà đạo, quán trọ,... Cũng vì lý do này, hãy đảm bảo rằng mình đang mang một đôi vớ sạch sẽ và không thủng lỗ trước khi bước vào bất cứ genkan nào nhé! 

3. Đa dạng những thiết kế genkan ở Nhật Bản

Không chỉ có mặt tại các dạng nhà ở, genkan còn xuất hiện ở cả những toà nhà, quán trọ, chùa chiền,... tại Nhật Bản. 

Genkan tại căn hộ nhỏ.

Genkan tại căn hộ tầm trung.

Căn hộ là dạng nhà ở phổ biến ở các thành phố lớn của Nhật Bản hiện nay. Dù tiện nghi và dễ dàng di chuyển đến các nơi, nhưng đương nhiên căn hộ thường không có nhiều không gian, vì vậy diện tích genkan ở đây khá khiêm tốn.

Genkan tại nhà trọ kiểu Nhật.

Genkan tại một khu suối nước nóng.

Đối với những nơi lưu trú công cộng như khách sạn, nhà trọ kiểu Nhật, suối nước nóng,... genkan có không gian rộng rãi hơn và tất nhiên không thể thiếu tủ giày dép lớn và một loạt guốc gỗ cho khách thay ra trước khi vào quầy lễ tân. 

Genkan của một trường cấp 2 ở Nhật Bản.

Genkan của một trường mẫu giáo ở Nhật Bản.

Ngay cả tại các trường học, genkan vẫn là khu vực đầu tiên các em học sinh cần phải cởi bỏ giày, thay bằng giày vải mềm và chỉnh trang lại áo quần trước khi vào lớp. Một số trường còn cung cấp cả các tủ khoá thay cho tủ giày để các em có thêm nhiều không gian lưu trữ các đồ dùng cá nhân.  

Dù quen mà lạ, genkan trong nội thất Nhật Bản vẫn khiến người nước ngoài như chúng ta bất ngờ khi biết đến khu vực này. Mong rằng bài viết này có thể cung cấp cái nhìn tổng quát và đầy đủ về nét văn hoá “tiền sảnh” - nơi khá phổ biến tại Nhật Bản nhưng ít được chú ý ở nước ngoài.