Cuộc sống hiện đại đem đến nhiều tiện nghi cho con người. Tiến bộ công nghệ giúp chúng ta có thể lắp thang máy ngay tại nhà để di chuyển dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng điều kiện để lắp là gì và có phải nhà nào cũng có thể lắp chúng? Hãy đón xem các lưu ý và những mẫu thiết kế nhà có thang máy đẹp dưới đây.
Khi nào thì nên thiết kế nhà có thang máy
Thang máy chiếm dụng không gian đáng kể và cũng đòi hỏi kỹ thuật lắp đặt, bảo trì bảo dưỡng thường xuyên để vận hành trơn tru và đảm bảo an toàn. Vì thế, khi mà hầu hết các ngôi nhà đều có cầu thang, hãy cân nhắc về tính cần thiết cho một chiếc thang máy.
Khi gia đình có người già hoặc trẻ nhỏ
Người già là đối tượng có nhu cầu sử dụng thang máy cao, vì thông thường tuổi tác hay kéo theo một số bệnh về xương khớp. Phần lớn người cao tuổi gặp khó khăn nhất định khi di chuyển, đặc biệt là lên xuống cầu thang gây nhiều trở ngại và đôi khi là nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.
Trẻ nhỏ tuy không phải là đối tượng chính, tuy nhiên nhiều gia đình tránh việc trẻ hiếu động chạy giỡn ở cầu thang cũng ưa chuộng sử dụng thang máy hơn vì chúng đảm bảo an toàn. Nhìn chung, lắp đặt thang máy trong nhà không chỉ giảm bớt thời gian và công sức khi di chuyển cho mọi thành viên, mà còn giúp người già và trẻ nhỏ được an toàn hơn.
Khi xây nhà có nhiều tầng
Một số công trình tại trung tâm thành phố hoặc các khu đô thị sầm uất thường bị eo hẹp về diện tích, gia chủ sẽ lựa chọn thiết kế nhà nhiều tầng để đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của đại gia đình. Nhưng cũng vì thế mà các thành viên sống trên tầng cao rất tốn sức để di chuyển. Và khi đó một chiếc thang máy sẽ thể hiện tối đa công dụng của mình.
Những lưu ý khi thiết kế nhà có thang máy
Việc lắp đặt thang máy yêu cầu nhiều công phu từ lúc thiết kế đến khi vận hành, vì thế gia chủ nên liên hệ với đơn vị cung cấp thang máy và đơn vị thiết kế nhà để sớm có hoạch định thích hợp.
Vị trí lắp thang máy
Vị trí lắp đặt thang máy sẽ tương đồng nhau ở mọi tầng/lầu của ngôi nhà. Vì thế, để hạn chế những bất cập trên những không gian khác nhau, gia chủ và các kiến trúc sư cần cân nhắc kỹ lưỡng khi lên bản vẽ.
Tải trọng của thang máy
Thang máy chiếm một vị trí tương đối lớn trong gian nhà. Một thang máy với tải trọng nhỏ nhất cũng vào khoảng 250kg, sẽ cần hố thang kích thước 140x130cm. Đồng thời phần tường bao quanh cũng rất quan trọng vì vừa đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ sau này, có bề dày đến 20cm và nên được thiết kế thêm 4 cột ở 4 góc với kích thước 10x30cm.
Vì chiếm dụng diện tích kha khá nên nhà phố phù hợp để lắp đặt thang máy nên có diện tích sàn từ 60m2, hoặc bề ngang từ 4m trở lên sẽ thuận tiện lắp đặt và sinh hoạt về sau.
Phù hợp với bố cục thiết kế không gian nhà
Bất kể có lắp thang máy hay không thì trong nhà luôn phải có thang bộ để đề phòng các trường hợp nguy hiểm, mất điện,... đây là một quy định bắt buộc trong tiêu chuẩn xây dựng.
Vì vậy, gia chủ nên trao đổi kỹ càng với kiến trúc sư để bố trí hợp lý các khu vực công năng, để thang máy trở thành vật bổ trợ hợp lý khi người dùng di chuyển và sinh hoạt.
Những mẫu thiết kế nhà có thang máy sang trọng
Phổ biến nhất là lắp đặt thang máy bên cạnh cầu thang. Và sắp xếp ở chung một phía của hành lang để tiện di chuyển mà không ảnh hưởng đến các khu chức năng khác. Vì nằm gần nhau nên gạch ốp thang máy và cầu thang, hoặc phong cách thiết kế cũng cần sự đồng bộ để tạo thẩm mỹ.
Thang máy có khi cũng được trang trí bên ngoài bằng kính để tạo cảm giác không gian rộng mở hơn, bớt sự tù túng bó hẹp.
Một ví dụ khác về phong cách thiết kế là cầu thang đồng màu với sàn nhà, còn ốp tường ngoài thang máy đồng màu với ốp tường xuyên suốt gian phòng. Cả hai đều nằm một bên góc nhà để các khu vực chức năng khác có thể liên kết với nhau và giúp gia chủ di chuyển dễ dàng.
Ốp màu gỗ tạo nên sự nhẹ nhàng thư giãn, một lựa chọn hợp lý khi khu vực thang máy khá lớn và nếu không thiết kế khéo sẽ khiến chúng trở nên lạc lõng với phần còn lại của ngôi nhà.
Cũng là một phương án giúp mở rộng không gian, hố thang máy trong suốt không những đem đến cảm giác thoáng đãng mà còn tạo sự liên kết. Người đứng trong thang máy cũng thư thái hơn, đặc biệt là đối với những người sợ không gian hẹp.
Cũng là thiết kế tháng máy nằm cùng với cầu thang nhưng thay vì nằm một bên góc nhà, nay được bố trí ở giữa và các khu chức năng nằm về hai phía. Sảnh trống phía trước được tận dụng làm nơi sinh hoạt chung, trang trí hoặc chơi nhạc cụ.
Thang máy kẹp giữa hai chiều lên xuống của thang bộ trong không gian nhàn nhạt vân gỗ và gam màu vàng trắng, giúp tận dụng diện tích hiệu quả hơn.
Vẫn là thang máy đặt cạnh cầu thang nhưng phá cách hơn khi ốp tường bao ngoài thang máy đồng điệu với từng bậc thang, tạo sự gắn kết cao và đồng nhất trong phong cách thiết kế, năng tầm đáng kể cho thẩm mỹ nội thất.
Nhìn chung, thiết kế nhà có thang máy không còn là điều xa lạ với nhiều người. Chỉ cần tính toán kỹ lưỡng và trao đổi rõ với kiến trúc sư cũng như hoạch định sớm phong cách, bố cục, bạn sẽ có bản thiết kế ưng ý cho gia đình của mình.