Trong tiết trời se lạnh khi vào thu, một miếng khoai giòn rụm, ngọt ngào và nóng hổi cũng trở thành mỹ vị. Xem cách làm khoai lang ngào đường kiểu Nhật vô cùng đơn giản dưới đây để chế biến món ăn vặt đầy dinh dưỡng cho gia đình nhé.
Cách làm khoai lang ngào đường kiểu Nhật phổ biến
Là một món ăn vặt hấp dẫn với lớp vỏ ngoài giòn tan ngọt ngào, bên trong mềm mại, bùi bùi, khoai lang ngào đường daigaku imo không chỉ được bày bán trên đường phố, mà còn được các mẹ Nhật thường xuyên tự làm tại nhà. Với cách làm đơn giản và nguyên liệu quen thuộc, ai cũng có thể làm daigaku imo!
Nguyên liệu:
- Khoai lang Nhật (vỏ đỏ, ruột vàng): 500g
- Đường: 100g
- Nước tương: 2 muỗng canh
- Mật ong: 2 muỗng canh
- Nước cốt chanh: 1/2 muỗng cà phê
- Dầu ăn
- Vừng rang trang trí (tùy chọn)
Khoai lang ngào đường kiểu Nhật.
Cách làm:
Chuẩn bị khoai lang:
- Rửa sạch khoai lang, gọt vỏ (nếu muốn) và cắt thành các miếng vừa ăn.
- Ngâm khoai lang vào nước muối loãng khoảng 15 phút để khử bớt nhựa và giảm vị ngọt khi chiên.
- Vớt khoai ra, để ráo.
Chiên khoai lang:
- Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng.
- Cho khoai lang vào chiên vàng đều các mặt. Vớt ra để ráo dầu.
- Trong chảo vừa chiên khoai, cho đường, nước tương, mật ong và nước cốt chanh vào.
- Đun nhỏ lửa, khuấy đều cho đến khi đường tan hết và hỗn hợp sánh lại, có màu caramel đẹp mắt.
- Cho khoai lang đã chiên vào chảo sốt, đảo đều để khoai được bao phủ bởi lớp caramel.
- Tắt bếp, rắc vừng rang lên trên (nếu có).
Công thức khoai lang ngào đường kiểu Nhật không chiên
Nếu có thành viên trong gia đình đang trong quá trình kiêng dầu mỡ, chúng ta cũng có thể áp dụng công thức không chiên sau đây mà vẫn giữ được độ ngọt ngào và thơm ngon đặc trưng của khoai lang ngào đường.
Cách 1: Ngào khoai lang trong lò nướng/nồi chiên không dầu
Cách làm khoai lang ngào đường kiểu Nhật.
Nguyên liệu:
- Khoai lang: 500g
- Đường: 100g
- Bơ: 2 muỗng canh
- Nước cốt chanh: 1/2 muỗng cà phê
- Vừng rang: để trang trí (tùy chọn)
Cách làm:
- Gọt vỏ khoai lang, cắt thành các miếng vừa ăn.
- Trộn đều khoai lang với đường, bơ và nước cốt chanh.
- Xếp khoai lang vào khay nướng đã lót giấy bạc.
- Nướng ở nhiệt độ 200 độ C trong khoảng 20-25 phút, hoặc đến khi khoai mềm và có màu vàng nâu.
- Rắc vừng rang lên trên và thưởng thức.
Cách 2: Ngào khoai lang trong nồi/chảo
Cách làm khoai lang ngào đường kiểu Nhật.
Nguyên liệu:
- Khoai lang: 500g
- Đường: 100g
- Nước: 2 muỗng canh
- Bơ: 2 muỗng canh
- Nước cốt chanh: 1/2 muỗng cà phê
- Vừng rang trang trí (tùy chọn)
Cách làm:
- Gọt vỏ khoai lang, cắt thành các miếng vừa ăn.
- Cho khoai lang, đường, nước và bơ vào nồi.
- Đun sôi trên lửa vừa, sau đó hạ nhỏ lửa và đun liu riu cho đến khi nước đường sánh lại và bám đều vào khoai.
- Thêm nước cốt chanh, đảo đều.
- Rắc vừng rang lên trên và thưởng thức.
Tại sao có tên gọi “khoai lang đại học” - Daigaku Imo?
Cụm từ “khoai lang ngào đường” trong tiếng Nhật được cấu thành bởi hai danh từ riêng biệt có ý nghĩa, đó là từ “trường đại học” (daigaku) và “khoai” (imo). Cái tên này bắt nguồn từ một số câu chuyện truyền miệng, khiến miếng khoai lang không chỉ ngọt ngào mà còn trở nên thú vị.
Trường Đại học Tokyo.
Vào đầu những năm Showa (1926 - 1989), Nhật Bản xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế cực kỳ nghiêm trọng, do đó nhiều sinh viên đang theo học tại Đại học Tokyo vấp phải khó khăn trong việc đóng học phí. Để kiếm đủ số tiền theo học, họ đã làm món khoai lang này và đem bán vào khoảng năm 1929. Do đó, khoai lang ngào đường được gọi là “khoai lang đại học” daigaku imo.
Khoai lang Nhật.
Ngoài ra, có một câu chuyện khác về nguồn gốc cái tên daigaku imo, dĩ nhiên chẳng liên quan gì đến việc các sinh viên bán khoai lấy tiền đóng học phí cả. Ở trước cổng Akamon của Đại học Tokyo thời đó, có một cửa hàng tên là Mikawaya chuyên kinh doanh đá lạnh. Dĩ nhiên vào mùa thu đông, cửa hàng gặp khó khăn trong việc buôn bán, cho nên họ đã nảy ra ý kiến chiên khoai lang sau đó tẩm mật lên khoai rồi đem bán. Món ăn nhận được sự yêu thích của các giảng viên cũng như sinh viên của trường, và cái tên daigaku imo cũng bắt đầu từ đó.